Ảnh minh họa
Mấy chục năm qua, mảng thơ viết về các thầy giáo, cô
giáo đã gây được xúc động mãnh liệt trong lòng người đọc, để lại những ấn tượng
sâu sắc. Bài viết sau đây sẽ điểm lại một số bài trong đó.
Trước hết, các nhà thơ đã khắc họa
hình ảnh các thầy giáo, cô giáo với những phẩm chất cao đẹp. Qua các bài thơ,
người đọc thấy rằng các thầy giáo, cô giáo luôn xác định rằng mình là
một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - giáo dục,
là một chiến sĩ trong sự nghiệp trồng
người: “Mặt trận hôm nay mở dưới mái trường/Người thầy giáo mang tâm hồn
chiến sĩ/Có ngọn bút trong tay làm vũ khí/Có ngọn đèn thao thức bao đêm” (Lê
Nam - Người thầy giáo).
Nhờ xác định được ngay từ đầu như vậy
nên trong suốt cuộc đời mình, người thầy tự nguyện làm người đưa đò, năm tháng trôi đi bất
chấp mọi gian nan, vất vả, người thầy giáo vẫn mải miết đưa những chuyến đò sang sông.
Dòng sông ấy, hình ảnh người đưa đò trên dòng sông ấy đã trở thành những kỷ
niệm sống mãi
trong trái tim nhiều thế hệ học trò: “Tháng
năm dầu dãi nắng mưa/Con đò trí thức thầy đưa bao người/Qua sông giữ lại nụ
cười/Đời thầy đưa biết bao người sang sông/Con đò mộc, mái đầu sương/Mãi theo em khắp muôn
phương vạn ngày/Khúc sông ấy vẫn còn đây/Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông” (Thảo Nguyên - Người lái đò).
Những câu
thơ chân thành, tha thiết nói lên lòng biết ơn của người học trò đối với thầy
giáo, cô giáo: “Làm sao quên được ơn thầy/Công người dạy dỗ có ngày hôm
nay/Nét đầu thầy phải cầm tay/Rèn con chữ viết mới ngay thẳng hàng/Nhớ thầy, nhớ chiếc đò
ngang/Tay thầy chèo chống đưa sang bao người/Nhọc nhằn gian khổ vẫn vui/Vì đàn
em nhỏ, vì đời mai sau/Từng đoàn kết nối kế nhau Dựng xây đất nước sớm mau bằng
người” (Văn Chiểu - Nhớ công ơn thầy).
Ngoài dùng hình ảnh “người đưa đò” để viết về người thầy giáo, cô giáo các nhà thơ còn dùng hình ảnh “bụi phấn” để khắc ghi công ơn của người
thầy: “Khi thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào/Vương trên bục giảng Có hạt
bụi nào/Vương trên tóc thầy/Em yêu phút giây này/Thầy em tóc như bạc thêm/Bạc
thêm vì bụi phấn/Cho em bài học hay/Mai sau lớn khôn rồi/Đời em có thể nào
quên/Ngày xưa thầy dạy dỗ/Khi em tuổi còn thơ" (Lê Văn Lộc - Bụi phấn). Ở đây sự hy sinh của người thầy đã
được miêu tả qua những hình ảnh đầy ấn tượng, qua những câu thơ mộc mạc, đầy
chân thực.
Trong thơ viết về các nhà giáo, ta
thấy có sự cảm thông chia sẻ với những khó khăn gian khổ, những vui buồn của
các thầy cô ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà thơ Lê Đình Cánh đã nói lên nỗi
vất vả, cực nhọc của các thầy, cô giáo trẻ tình nguyện xung phong mang ánh sáng
văn hóa, mang con chữ đến với học trò vùng núi cao Tây Bắc: “Cô mang con chữ lên rừng/Đã qua mặn ngọt, đã từng cay chua/Đất nghèo,
chữ ít người theo/Mà cô vẫn cứ miệt mài ngày đêm” (Cô giáo lên bản). Các cô
giáo đã thầm lặng hy sinh tuổi xuân của mình, có khi ước ao có gia đình nhỏ, có
chồng, có con mà mong ước đó vẫn chưa thành. Những câu thơ thật là cảm động: “Ở rừng tự hát ru nhau/Lá trầu chị héo, quả
cau em già/Ước ao có một gian nhà/Có trưa đưa võng đón bà lên chơi” (Lê
Đình Cánh - Cô giáo lên bản).
Tác giả Hà Trọng Bằng đã khắc họa một
cách đậm nét chân dung nhà giáo, tình thương bao la đối với các học trò đã thúc
giục các nhà giáo vượt qua mọi khó khăn đem kiến thức đến với các em để nuôi lớn những tâm hồn: “Ngày lại ngày cô đứng trên bục giảng/Mấy chục trò thương
chăm chú nghe lời/Mắt sâu xuống, trán hằn bao suy nghĩ/Chỉ cho học trò vẻ đẹp những
bài thơ/Như mẹ hiền chắt chiu từng dòng sữa/Lọc máu tim mình dành để nuôi
con/Cô trăn trở chọn từng lời, từng chữ/Lọc từng tinh hoa nuôi lớn những tâm
hồn/Như người trồng cây vui nhìn hạt giống/Có công mình góp chăm dồi dào sức
sống/Trở thành rừng khắp đất nước thân yêu/Cô giáo tự hào hạnh phúc biết bao
nhiêu!”
(Niềm vui trên trang giáo án).
Lòng kính yêu, nhớ thương ngưỡng mộ
thầy cô được
thể hiện trong nhiều bài thơ. Đây là những câu thơ lục bát nặng ân tình: “Lời cô giản dị đơn sơ/Ngẫm sâu lại thấy vô bờ yêu
thương/Nghĩ về cô dạ vấn vương/Em như lại được đến trường năm xưa/Xa cô đã mấy
năm qua/Tình cô vẫn đẹp như hoa đời thường/Cô ơi sợi nhớ, sợi thương/Khi vui
vương vấn, khi buồn vấn vương/Lời cô tình cảm yêu thương/Muốn
làm én nhỏ về trường thăm cô/Để nghe cô giảng bài thơ/Lời cô nhỏ nhẹ bao dung
dịu hiền” (Trần Thị Lập - Nghĩ về cô).
Tình cảm của học trò với cô giáo thật
là đậm đà, thắm thiết. Và đây là vẻ đẹp của nhà giáo qua những câu thơ lục bát mượt
mà, giàu hình tượng: “Dịu dàng tà áo thướt
tha/Xinh tươi đằm thắm mặn mà nét duyên/Đoan trang thục nữ dịu hiền/Bảng đen, phấn
trắng trinh nguyên một thời/Bền lòng nhiệt huyết chẳng vơi/Ươm mầm tri thức gieo đời tiếng thơm/Đâu cần đáp
nghĩa trả ơn/ Mà bao năm vẫn sớm hôm miệt mài/Để trò vững bước ngày mai/Là
nguồn hạnh phúc tương lai cô trồng/Tấm lòng luôn rộng mênh mông/Biết bao vất vả
mà lòng vẫn vui” (Phan Lê - Cô giáo của em).
Trong thơ viết về đề tài nhà giáo, có
nhiều bài viết về người thầy giáo thương binh khiến cho người đọc xúc động, như
các bài: “Thầy giáo thương binh” của
Vũ Mạnh Khởi; “Gặp lại thầy giáo thương
binh” của Chu Huy; “Người thầy của
chúng em” của Lê Khánh. Riêng nhà thơ Trần Đăng Khoa có 5 bài: “Bàn chân thầy giáo”, “Thầy đi bộ đội”,
“Nghe thầy đọc bài thơ”, v.v... Tiêu biểu nhất là bài: “Bàn chân thầy giáo”, sau khi thầy đi bộ đội về thầy chỉ còn một
chân, thầy vẫn tiếp tục nghề dạy học: “Thầy
ngồi trên ghế giảng bài/Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ/Một bàn chân thầy không còn
nữa”. Từ cái khiếm khuyết trên một phần cơ thể của người thầy, tác giả liên
hệ đến cái chưa hoàn hảo của đời mình. Đây cũng chính là tấm lòng của nhà thơ
cúi mình trước sự hy sinh và cống hiến của những người thầy giáo đã từng khoác
áo lính. Tấm lòng, tâm hồn người thầy chính là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta
soi mình vào đó, nhìn nhận lại mình, tự thanh lọc tâm hồn mình để sống tốt hơn,
hoàn hảo hơn: “Chúng em nhận ra bàn chân
thầy giáo/Như nhận ra cái chưa hoàn hảo của cuộc đời mình” và những câu thơ
làm hiện lên sống động trước mắt người đọc hình ảnh chiến trường đầy bom
đạn, khói lửa và hình ảnh hiên ngang, dũng cảm của người thầy với bàn chân đạp
xuống đầu lũ giặc, bàn chân xông pha trận mạc góp phần cùng đồng đội làm nên
chiến thắng: “Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh hay Tây Ninh, Đồng Tháp?/Bàn chân đạp xuống đầu
lũ giặc/Cho em lẽ sống làm người/Em lắng nghe thầy giảng từng lời/Nghe thầm
lặng bàn chân đi đánh Mỹ Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường/Em sẽ đi suốt chiều
dài đất nước/Theo dấu chân người thầy năm trước”. Và Trần Đăng khoa đã kết thúc bài
thơ bằng hai câu thơ:
“Và bàn chân thầy bàn chân
đã mất/Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời”. Bàn
chân người thầy giáo thương binh tuy không còn hiện hữu trên đời nhưng đem lại
cho các em học sinh bài học làm người, bài học về lòng dũng cảm, về đức hi
sinh. Trong hai câu kết này sự đối lập giữa cái đã mất và cái trọn vẹn đã làm
đọng lại những cảm xúc nồng ấm và tạo nên sức ám ảnh của bài thơ. Bàn chân của
thầy đã mất nhưng vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời, kỳ diệu thay!
Và có
những thầy giáo đi bộ đội ra chiến trường,
hy sinh, trở thành liệt sỹ. Người học
trò cũ sau 13 năm cách xa đến thăm thầy đã viết nên những câu thơ cảm động:
“Tiếp đón tôi là một người thiếu phụ/Không còn khăn tang nhưng tóc trắng nửa mái đầu/Tôi nhìn lên tấm ảnh bạc
màu/Thầy giáo của tôi không hề đổi khác/Hiện lại trong tôi những lời thầy
giảng/Tự dưng tôi buột miệng: “thầy ơi!” (Ngọc
Bái - Về một người thầy đã nằm lại chiến trường). Câu thơ đó như tiếng nấc
nghẹn ngào, trào dâng, tiếng kêu
như thấu cõi tâm linh, tiếng kêu
của người học trò thành kính trước khói hương nghi ngút trên bàn thờ thầy.
Trong một
bài viết nhỏ, chúng tôi không thể nói hết thơ về đề tài nhà giáo. Xin được chọn
những câu thơ sau đây thay lời kết luận: “Trọn đời chèo chống đò ngang/Sông
sâu, sóng cả mênh mang đôi bờ/Vẹn lòng chẳng chút đắn đo/Trọn niềm tin trước
chuyến đò thế gian/Mặc ai mải kiếm giàu sang/Thầy tôi sau trước chẳng màng điều
chi/Mặc ai tính toán suy bì/Thầy tôi một dạ lo vì mai sau/Lời thầy con tạc ghi
sâu/Nghĩa nhân, nhân nghĩa là câu soi mình. (Vương Thị
Xoan - Thầy tôi).
Đoàn Mạnh Tiến