Bế giảng lớp tập huấn sáng tác, soạn lời Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2024
Sáng nay (29/10), Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ bế giảng lớp tập huấn sáng tác, soạn lời dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An năm 2024.
Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các học viên
Dự Lễ bế giảng có bà Quách Thị Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, đại diện các phòng liên quan thuộc Sở; Đại diện lãnh đạo UBND, phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành, thị trong tỉnh; các giảng viên và 48 học viên.
Trong thời gian 7 ngày học trực tiếp, các học viên đã được các giảng viên là những cây đa, cây đề của dân ca truyền tải những nội dung và kinh nghiệm thực tiễn hữu ích trong sáng tác, soạn lời với các chuyên đề: “Đôi nét về dân ca Việt Nam nói chung và dân ca xứ Nghệ nói riêng. Giới thiệu lời mới và kỹ năng soạn lời mới trong Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” (GV: soạn giả Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân ca, Hệ âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3, Đài TNVN); “Phương pháp sáng tác, soạn lời mới cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” (GV: NSND Nguyễn An Ninh); “Khái quát đặc điểm của sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Những nét tương đồng và khác nhau giữa kịch hát truyền thống Việt Nam và kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh; Ứng dụng làn điệu vào từng vở diễn cụ thể” (GV: Nhạc sĩ Phan Thành). Đây là những kiến thức bổ ích, thiết thực mang tính định hướng, khích lệ; giúp các tác giả muốn sáng tác phát triển dân ca có thêm một số gợi ý về chất liệu, thủ pháp sáng tác, góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hóa tài liệu, từ đó các học viên có thể cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị và tích lũy được thêm nhiều kiến thức cho bản thân.
Trong số 48 học viên, có 28 học viên được cử chọn là những Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân - những người có nhiều đóng góp tích cực trong công tác trao truyền, lan tỏa dân ca Ví, Giặm tại cộng đồng. Với vốn dân ca và quá trình thực hành nhuần nhuyễn của mình, cùng với kiến thức được bổ trợ từ các bài giảng, bài thực hành của các giảng viên, những đứa con tinh thần của các học viên đã bài bản, khoa học về bố cục, kết cấu nội dung và có tính nghệ thuật hơn.
Sau gần 2 tuần đi thực tế sáng tác tại địa phương, các học viên đã gửi về BTC hàng chục tác phẩm mới gồm đủ các thể loại: đơn ca, đối ca, tổ khúc, hoạt ca, hoạt cảnh, diễn xướng và kịch ngắn dân ca... Chủ đề sáng tác phong phú đa dạng, mang hơi thở cuộc sống như: Viết về Bác Hồ, về quê hương Nghệ Tĩnh, về xây dựng nông thôn mới,... trong đó có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao, ca từ đẹp, gieo vần dễ nhớ, dễ thuộc mang tính chất vui tươi nhí nhảnh, tiêu biểu như: “Quế Phong ghi nhớ mãi lời Người” - tác giả Nguyễn Đình Thống (huyện Quế Phong); “Ví Giặm mãi vang xa” - tác giả Trần Văn Hồng (TX. Thái Hòa); “Ví Giặm trong tôi” - tác giả Võ Thị Hồng Vân (huyện Thanh Chương)... Tuy chủ đề phong phú đa dạng nhưng tất cả các sáng tác đều có điểm chung là mang đậm chất liệu dân gian truyền thống của xứ Nghệ.
Ban Tổ chức đã chọn các tác phẩm tiêu biểu để học viên biểu diễn báo cáo kết quả học tập với các hoạt ca, tổ khúc làn điệu dân ca Ví, Giặm như: “Ví, Giặm trong tôi”, “Ngày mùa, “Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác”, “Tình duyên nồi đất”, “Lời của mẹ”, “Tình Bác tình quê”, “Đẹp mãi những tấm lòng” và “Quế Phong ghi nhớ mãi lời Người”.
Phát biểu tại Lễ bế giảng, nhạc sĩ Trần Quốc Chung - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đánh giá các tác giả tham gia sáng tác tại lớp học đều là những hạt nhân văn nghệ dày dặn kinh nghiệm trong sáng tác và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật trình diễn dân gian. Để dân ca Ví, Giặm có sức sống bền vững và lan tỏa rộng hơn nữa cần bổ sung nhân tố mới - gieo mầm xanh cho Ví Giặm. Ban Tổ chức mong muốn sau lớp học, các học viên cùng nhau gìn giữ và trao truyền giá trị của di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh để nó mãi trường tồn.
Kết thúc Lễ bế giảng, Ban Tổ chức đã trao Chứng chỉ hoàn thành lớp học cho các học viên tham lớp tập huấn
Cao Hải