Bế mạc Lớp tập huấn dân ca, dân vũ dân tộc Thái tỉnh Nghệ An năm 2022
Sáng nay, 29/4, tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ Bế mạc Lớp tập huấn dân ca, dân vũ dân tộc Thái tỉnh Nghệ An năm 2022. Lớp tập huấn do Sở Văn hóa và thể thao Nghệ An phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh mở cho gần 80 học viên là các nghệ nhân đại diện CLB, đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái tại cộng đồng của 11 huyện, thị miền núi; cán bộ chuyên môn của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành, thị; diễn viên Đoàn Ca múa nhạc thuộc Trung tâm Nghệ thuật tryền thống Nghệ An; Phòng Văn hóa văn nghệ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh.
(Phó Giám đốc Sở VHTT Quách Thị Cường phát biểu tại lễ bế mạc)
Dự lễ bế mạc có các đồng chí Quách Thị Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Tiến sĩ, NSND Nguyễn Văn Quang - Nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam; đại diện lãnh đạo các phòng của Sở; lãnh đạo Trung tâm Nghệ Thuật truyền thống tỉnh.
Qua 5 ngày học tập và làm việc (từ ngày 25-29/4/2022) với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chương trình tập huấn đã hoàn thành tốt nội dung kế hoạch đề ra đạt chất lượng cao, hầu hết các học viên đều hào hứng tham gia với tinh thần nghiêm túc, nhiệt tình, có nhiều ý tưởng sáng tạo.
(Tiến sĩ, NSND Nguyễn Văn Quang - Nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam bát biểu tại lễ bế mạc)
Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Quách Thị Cường ghi nhận những kết quả đạt được của lớp tập huấn đồng thời mong muốn sau lớp tập huấn này, các học viên sẽ phát huy được vai trò của mình tại địa phương, tham mưu cho huyện mở các lớp truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể dân ca, dân vũ dân tộc Thái đang ngày càng bị mai một.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở văn hóa và Thể thao cũng định hướng những nội dung mà các nghệ nhân, nghệ sỹ, những người làm công tác văn hóa tại các huyện miền núi cần phát huy vai trò của mình trong việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ trong đồng bào các dân tộc trong thời gian tới; tham mưu cho chính quyền các địa phương tổ chức các hoạt động như:
(Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nguyễn Quốc Chung Bế mạc lớp tập huấn)
Tổ chức các chương trình nghệ thuật thông qua các ngày hội, giao lưu, liên hoan, nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức tạo sự gần gũi, đa dạng và giàu bản sắc văn hóa.
Mở các lớp truyền dạy và xây dựng các mô hình CLB văn nghệ dân gian dân tộc thiểu số thông qua đó lựa chọn những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống đặc trưng để bảo tồn, phát triển thành các sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống sinh hoạt cộng đồng và phát triển du lịch.
(Đại diện các học viên phát biểu ý kiến)
Phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống, chú trọng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, nghệ nhân người có uy tín trong cộng đồng. Đây là không gian diễn xướng là môi trường bảo tồn tốt các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ cần nhân rộng.
Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế, định hướng rõ xã phường, làng, bản cụm dân cư là đơn vị cần tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các công trình văn hóa cơ sở, đây sẽ là nơi duy trì bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
(Tiết mục múa của các học viên)
Phát triển du lịch văn hóa cộng đồng tạo kế sinh cho bà con thông qua các hoạt động văn hóa, trình diễn dân ca, dân vũ, cung cấp các dịch vụ Homstay, ăn uống …
Đưa các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ vào các trường học nhằm tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp trong thế hệ trẻ.
(Lãnh đạo Trung tấm NTTT tỉnh trao giấy chứng nhận cho các học viên)
Ứng dụng khoa học công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch.
Kết thúc buổi lễ, đại diện lãnh đạo Trung tâm Nghệ thuật truyền thống đã trao giấy chứng nhận cho các học viên tham gia lớp tập huấn lần này./.
Thu Thủy – Phó Chánh Văn phòng